bạn đang đọc....
Khổng Minh, Thục

Bàn ngang về Khổng Minh


Theo DDDN

Giáo sư Thành Quân Ức – Đại học Bắc Kinh không chỉ uyên thâm, hóm hỉnh mà còn là một nhà bán hàng đại tài. Tại Hội chợ Rượu quốc tế ở Luân Đôn năm 1990, rượu Mao Đài của Trung Quốc không bán được. Ba ngày đầu, hội chợ không bán được chai Mao Đài nào. Hãng Mao Đài phải cầu cứu Giáo sư Thành. Giáo sư sang Luân Đôn, lân la ở hội chợ một ngày và sau đó gọi cô gái bán hàng ở quầy rượu Mao Đài thì thầm một mẹo nhỏ.

khongminh1

Sáng hôm sau, khi hội chợ đang đông nhất thì cô gái ở quầy bán hàng vờ sơ ý đánh vỡ một chai Mao Đài. Mùi thơm lạ lùng của loại rượu này đã khiến cả hội chợ sửng sốt. Người ta chen nhau mua rượu Mao Đài và tất cả rượu trên quầy đã bán hết veo trong một buổi sáng. Báo chí Anh đưa tin rất ấn tượng về loại rượu này. Một chuyến chuyên cơ cấp tốc chở rượu sang nhưng Giáo sư Thành không cho bán ngay mà không bảo rằng phải hai ngày nữa mới có rượu Mao Đài. Hai ngày sau từ sáng sớm người ta đã xếp hàng ở quầy rượu Trung Quốc nhưng lượng rượu được chở đến không nhiều lắm nên chỉ một lúc là đã bán hết. Suốt thời gian hội chợ, luôn diễn ra tình trạng cháy rượu Mao Đài và kết thúc hội chợ, hãng Mao Đài ký được 30 hợp đồng lớn.

Giáo sư Thành là người nghiện Tam Quốc và rất phục tài Khổng Minh. Nhưng trong một lần tụ họp ở vườn Thượng Xuân, Giáo sư Thành lại bàn ngang về Khổng Minh. Gọi là bàn ngang vì Giáo sư không khen Khổng Minh mà chê, hơn thế lại chê rất nặng nề.

Hãy nghe Giáo sư Thành Quân Ức chê Khổng Minh những gì:

Khổng Minh làm mất Nhai Đình

Nhai Đình là cái cuống họng của Kinh Châu mà Kinh Châu là địa bàn chiến lược của nước Thục. Nếu mất Nhai Đình thì Kinh Châu bị uy hiếp nghiêm trọng. Thiên hạ đọc Tam Quốc ai cũng biết chuyện Khổng Minh khóc chém Ma Tốc. Vì vị trí Nhai Đình quá quan trọng nên khi giao cho Mã Tốc đem quân đi giữ Nhai Đình, Khổng Minh đã bắt Mã Tốc phải viết bản quân lệnh, nếu để mất là phải chém đầu. Và Nhai Đình đã bị mất nên Mã Tốc phải bị tội chém. Phép dùng quân thưởng phạt phải rất nghiêm minh, phạt không nể người thân, thưởng không quên kẻ sơ. Mã Tốc theo hầu Khổng Minh đã nhiều năm, tận tuỵ như con hầu cha và được Khổng Minh quý như con đẻ. Song, cho dù là con mà phạm quân lệnh thì vẫn phải chém. Quân pháp bất vị thân. Đó là sự nghiêm chỉnh của Khổng Minh. Giờ đây, chúng ta không làm được như thế. Con quan phạm tội thì nương tay, tội tù thì chỉ cảnh cáo, tội phải chết thì xử tù vài năm rồi tha. Trị nước như thế là tự nuôi mầm họa. Nhưng trong việc mất Nhai Đình còn có tội lớn của Khổng Minh. Trước khi chết, Lưu Bị từng dặn Khổng Minh rằng: “Mã Tốc là kẻ lẻo mép, không có thực tài, quyết không được trọng dụng”. Vậy mà Khổng Minh lại phong Mã Tốc làm đại tướng và giao cho giữ Nhai Đình. Giao việc lớn cho kẻ bất tài, ấy là tội lớn của người lãnh đạo. Vậy mà không ai xử Khổng Minh cả. Ngày nay người ta học Khổng Minh thật “xuất sắc”, hỏng việc thì đổ hết cho cấp dưới, còn cấp trên thì vô can, nếu muốn đánh lừa công luận thì thí tốt. Làm quan như thế thì thật sướng, bổng lộc nhiều mà không phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Tại sao Mã Tốc lại dễ dàng được trọng dụng? Vì ông này luôn ở gần Khổng Minh (cận thần). Không ai hiểu cấp trên bằng cận thần. Bề trên thích uống loại rượu nào? Thích ăn món gì? Thích xài loại gái như thế nào? Việc nọ việc kia phải đút lót bao nhiêu thì được? Cận thần biết rõ nhất. Vì thế, một câu của cận thần bằng vạn câu nói của người ở xa. Cái hoạ cận thần ở đâu và ở thời nào cũng khủng khiếp. Tần Thuỷ Hoàng chết vì Triệu Cao, Đường Minh Hoàng chết vì Dương Quốc Trung, Càn Long bại bởi Hoà Thân, Bí thư thành phố Hắc Long Giang chết vì tay thư ký riêng, Cty Thương mại Thượng Hải phá sản bởi tay trưởng phòng tổ chức… tất cả đều là cận thần. Hàn Phi Tử từng viết: “Bầy tôi thân cận được tiến cử thì người cũ rút lui. Kẻ hèn kém được tin dùng thì những người hiền phải ẩn nấp. Kẻ không có công được quý trọng thì những người vất vả khó nhọc bị nghèo đói và kẻ dưới oán. Kẻ dưới oán thì nước có thể mất”.

Và Nhai Đình đã mất. Trong việc này tội không chỉ mình Mã Tốc.

KM

Sai lầm thứ hai của Khổng Minh là giao cho Quan Vũ giữ Kinh Châu

Tại sao không giao việc này cho Triệu Vân hoặc Khương Duy mà lại giao cho Quan Vũ? Đơn giản vì Quan Vũ là đại thần mà đã là đại thần thì phải được hưởng miếng to.

Lần trước, chúng ta đã nói tới việc Quan Vũ vì kiêu ngạo và hẹp hòi mà để mất Kinh Châu. Kiêu ngạo và hẹp hòi là nguy cơ của người chiến thắng. Vì thế, người chiến thắng rất dễ trở thành kẻ chiến bại. Liên Xô từng là người chiến thắng và sau đó thì thành kẻ chiến bại. Chúng ta cũng đã chiến thắng và cũng đã phải nếm mùi thất bại vì nghèo nàn, lạc hậu. Chúng ta thất bại vì kiêu ngạo và hẹp hòi. Có thời còn hẹp hòi tới mức nếu không phải xuất thân từ công nông thì dù tài giỏi mấy cũng không dùng.

Kiêu ngạo làm triệt tiêu ý chí học hỏi để vươn tới và hẹp hòi làm chúng ta mất bạn bè và bỏ lỡ thời cơ hội nhập.

Quan Vũ là hổ tướng trăm trận trăm thắng nên kiêu ngạo, lại là đại thần nên không xem lời dặn dò của Khổng Minh là quan trọng. Việc mất Kinh Châu đâu chỉ là lỗi một mình của Quan Vũ.

Với nhà Thục, Nhai Đình là cuống họng, Kinh Châu là tim, mất hai cái đó thì nhà Thục chẳng thọ được. Vì thế mà Khổng Minh sáu lần rời Kỳ Sơn đánh Trung Nguyên thì cả sáu lần bị thất bại và cuối cùng bị ốm chết ở Ngũ Trượng Nguyên. Ông chết đi còn để lại cho nhà Thục một mầm hoạ lớn, ấy là Lưu Thiền (con trai Lưu Bị). Từng gần gũi dạy bảo Lưu Thiền từ bé, Khổng Minh thừa biết Thái tử là đồ bị thịt, bạc nhược và ngu tối, vậy mà Khổng Minh vẫn phò tá cái bị thịt ấy đến cùng.

Đó là sai lầm thứ ba của Khổng Minh.

Xưa Câu Tiễn thấy vua bạc nhược và ngu tối thì giết đi và giành lấy ngai vàng, nhờ thế mà giữ được nước. Còn Khổng Minh thì tận tuỵ thờ một ông vua bị thịt và đó mới thật là đại họa của nhà Thục. Khi Khương Duy đang thắng lớn thì Lưu Thiền ra lệnh lui binh và tự mình nắm lấy binh quyền để sau đó phải quỳ khóc xin đầu hàng quân địch.

Từ lều cỏ ra đi, Khổng Minh đã giúp Lưu Bị từ chỗ không tấc đất cắm dùi thành ông vua nước Thục. Song, chỉ với ba sai lầm trong việc nhìn người, dùng người mà cơ đồ nhà Thục tiêu vong. Cơ đồ nhà Thục do một tay Khổng Minh dựng nên và cũng một tay ông hất đổ đi.

Thành bại, đúng sai của Khổng Minh người đời còn phải bàn nhiều.

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Thư viện

Nhập email để được cập nhật tin tức từ blog.

Join 1 193 other subscribers

Ảnh Blog

anhnhut's TamQuocOnline album on Photobucket